Cattour

Khám phá

Những món ăn mùa đông Hàn Quốc ngon nhất, tiêu tan cái lạnh tháng 12!

14/12/2018

Có những món ăn mà nhất thiết là phải ăn vào mùa đông, có những món ăn mà sinh ra đã là để gọi tên cho mùa đông rồi thì nhất định phải thử cho ra cái tiết trời mùa đông!

Cùng điểm mặt gọi tên các món ăn từ đồ ăn mặn đến các món ăn vặt, món ăn ngọt đường phố nổi tiếng nhé
 

1. Sudubu jjigae – Canh đậu phụ hầm cay

Canh đậu phụ hầm được đựng trong thố đá với mục đích để giữ được nhiệt lâu, đảm bảo cho hương vị ngon nhất cho món ăn. Đây cũng là món canh hầm cay cực phổ biến của người dân Hàn Quốc. Sudubu jjigae với nguyên liệu chính thường là đậu phụ, rau, nấm, hải sản, thịt bò hoặc thịt lợn và tương ớt. Tùy thuộc vào vùng  và công thức riêng của người nấu, một số nguyên liệu được lựa chọn thêm vào hoặc bớt đi thay thế để tạo điểm nhấn hương vị cho món canh.
Mặc dù có nhiều phiên bản nhưng để đúng nghĩa, chuẩn chỉnh cho một bát canh Sundubun jjigae thì đó là sau khi canh được múc ra bát, thực khách sẽ đập thêm một quả trứng sống lên trên cùng. Khi ăn, phần trứng này sẽ được hòa trộn đều với nước hầm để tạo nên hương vị hoàn hảo, ngậy ngậy cho món ăn.
 
Canh đậu phụ hầm cay, béo ngậy của trứng
 

2. Kimchi jjigae – Canh kimchi cay

Canh kimchi – kimchi jjigae, món canh hầm được làm từ kimchi cay muối lên men cùng với thịt. Kimchi jjigae là một món hầm tiêu biểu cùng với món canh hầm deonjang  jjigae (canh tương hầm) mà mình cũng sẽ giới thiệu ngay sau đây. Canh kimchi có thể nấu cùng với phần nhân là thịt lợn, thịt bò hay có thể nấu cùng cả các loại hải sản phong phú khác nhau để cho ra các hương vị khác nhau. Kimchi được biết đến là món phụ biểu tượng đại diện trong nền văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc, nhưng chính nó cũng có thể trở thành "nhân vật chính" linh hồn trong các món ăn như món canh hầm, món cơm cuộn kimchi,…
 
Kimchi, món ăn kèm đặc trưng của người dân Hàn Quốc
 
Canh kimchi jjigae có vị ngọt, chua chua, mùi thơm khó cưỡng từ kimchi muối cay và đặc biệt vị cay nồng từ ớt bột Hàn Quốc, có tác dụng kích thích khẩu vị cảm thấy món ăn ngon miệng. Từ thời xa xưa, canh kim chi cải thảo -  kimchi jjigae là một món ăn rất bình dân, nó bắt đầu phổ biến tại Hàn Quốc từ sau những năm 1970, khi mà chính phủ Hàn Quốc mở rộng canh tác cải thảo. Cho đến nay, món canh này vẫn luôn là một trong những món canh giản dị, đơn giản, phổ biến,  xuất hiện thường xuyên trong các bữa ăn của người Hàn từ trong nhà cho đến các nhà hàng bình dân hay nổi tiếng.
 
Món canh kimchi cay, nóng hổi
 

3. Ddoek mandu kuk – Canh bánh gạo và mandu

Món canh bánh gạo Ddoek mandu kuk hay tên gọi dễ để các bạn tìm hiểu hơn đó là "Tteokguk" là loại canh được người Hàn Quốc thưởng thức vào dịp năm mới với quan niệm khi ăn món canh này đồng nghĩa với việc bạn đã bước sang một tuổi mới, từ khi sinh ra bạn đã ăn bao nhiêu bát canh thì tương ứng bạn bấy nhiêu tuổi. Tết cổ truyền ở Hàn Quốc không thể thiếu món này, giống truyền thống bánh chưng ở Việt Nam vậy
 
Canh bánh gạo, nấu với thịt bò
 
Khi cái lạnh của tháng 12 “ập” đến, dường như không còn điều gì tuyệt vời hơn việc được xì xụp thưởng thức bát canh nóng hổi này. Ddoek mandu kuk được nấu từ bánh gạo "ddeok" với "mandu" (gần giống với sủi cảo của Trung Quốc) cùng một số nguyên liệu khác như hành tây, trứng, rất nhiều hạt tiêu vừa để gia tăng hương vị vừa làm tăng thêm độ ấm nóng khi thưởng thức, rong biển.
 

4. Seolleongtang – Canh xương bò hầm

Seolleongtang - canh hầm từ xương bò là một trong những món ngon nổi tiếng Hàn Quốc, được ưa thích bởi cả người dân Hàn Quốc và cả rất nhiều du khách nước ngoài tìm kiếm để thưởng thức. Còn gì bằng khi trời rét căm căm, bạn thưởng thức từng muỗng canh nóng, thơm lừng trong các thời tiết se lạnh sau một ngày dài khám phá mọi nơi. Món Seolleongtang được nấu từ thịt và xương bò được ninh kỹ, nhừ ít nhất là trong 10 giờ cho đến khi nước canh ninh đổi sang màu trắng sữa. Sau đó canh sẽ được múc ra bát, cho thêm phần thịt bò thái lát to bản để có một bát canh hoàn hảo. Khi ăn Seolleongtang bạn có thể ăn kèm với cơm trắng hoặc mì, thêm một chút kimchi của cải muối cay không thể thiếu nữa nhé.
 
Canh xương bò hầm
 
 
Theo truyền thuyết từ xa xưa,  món canh xương bò hầm này đã bắt đầu xuất hiện tại Hàn Quốc rất sớm từ khoảng thế kỷ 15, thời cai trị của vua Seongjong, vua Seongjong thường bắt đầu khởi hành các nghi lễ bằng việc cúng tế một con bò để làm nên món ăn có tên gọi “canh phủ tuyết” mà sau đó ông sẽ ăn cùng với những người trong hoàng tộc. Năm 1910, món canh này mới bắt đầu được gọi chính thức dưới cái tên Seolleongtang. Thường thì khi đi du lịch tới bất kì một quốc gia nào, chúng ta cũng đều có mong muốn được đi tới những nơi đẹp, ăn những món ăn ngon đúng chất ngày thường mà người dân ở đó ăn, seolleongtang cũng vậy, là món ăn quá đỗi quen thuộc của người dân Hàn Quốc vì vậy mà càng ngày càng nhiều khách du lịch muốn thử bằng được món canh này. Công thức thực hiện món canh bổ dưỡng này cũng đã được lan truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, được các bà nội trợ nắm rõ như lòng bàn tay. Một món ăn thơm ngon, dễ ăn, bổ dưỡng sẽ làm hài lòng cả những thực khách khó tính.
 
Canh xương bò hầm thường ăn cùng miến hoặc mì trắng
 
Đặt ngay: Tour du lịch mùa đông Hàn Quốc 5 ngày 4 đêm, trượt tuyết Ski Resort, khám phá một Hàn Quốc lãng mạn vào mùa đông!!!
 

5. Doenjang Jjigae – Canh tương đậu hầm

Doenjang - Tương đậu Hàn Quốc, là loại tương có mùi thơm dịu nhẹ, đặc trưng được làm từ đậu tương lên men, đậu tuơng Hàn Quốc có vị bùi mềm, sử dụng sau khi đã lên men thích hợp cho các món canh như canh rong biển, soup hoặc các món nướng, lẩu, canh xương. Là gia vị chủ yếu dùng để nấu canh. Nhưng đặc trưng nhất khi nhắc tới tương đậu đó chính là Doenjang jjigae, món canh tương đậu hầm
 
Canh tương đậu hầm
 
Thành phần chính của canh tương đậu hầm là đậu phụ cắt lát nhỏ và tương đậu Hàn Quốc. Hương vị của tương Hàn Quốc sẽ làm món ăn có hương vị rất đặc trưng, dễ chịu chứ không gắt. Tùy theo loại tương bạn mua sẽ cho ra hương vị canh tương khác nhau. Canh tương đậu hầm thì được nấu kèm với đậu phụ, thịt bò, bí ngòi, hành tây, nấm. Một bát cơm trắng ăn cùng một bát canh tương đậu nóng hổi, được nấu trong nồi niêu đất là lựa chọn không sai vào đâu được trước khi bạn kết thúc bữa ăn, no và ấm bụng, từng thìa canh nóng bốc khói nghi ngút, vừa ăn vừa xuýt xoa.
 

6. Samgyetang – Canh gà hầm sâm

Du lịch Hàn Quốc tháng 12 nhất định phải ăn món gà hầm nhân sâm – món được coi là 'quốc hồn quốc túy' của xứ sở kimchi, như bất kỳ du khách nào đến Việt Nam, cứ phải thưởng thức bằng được tô phở bò – phở gà thơm ngọt khi vừa đặt chân tới.
Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản về thành phần và công dụng của nhân sâm: nhân sâm có chứa tới hơn 60 loại Saponin (Saponin là một loại hợp chất gọi là Ginsenoside được biết đến là một trong những thành phần hóa học của các loại thảo mộc rất có lợi cho sức khỏe của con người, nhất là nhân sâm Hàn Quốc, không chỉ có chứa lượng saponin vượt trội mà còn có chứa hàm lượng các thành phần saponin quan trọng khá cao), 17 loại axit amin và hàng chục nguyên tố vi lượng được coi là vô cùng tốt cho sức khỏe con người. Nhân sâm đặc biệt tốt với những người có thể trạng yếu, người đau ốm, người vừa ốm dậy, người lao lực cơ thể và trí óc. Ngoài ra sử dụng nhân sâm còn còn bổ khí huyết, mạnh gân xương, tăng cường sinh lực, tăng hệ miễn dịch cho cơ thể, kích thích tiêu hóa, tăng hấp thu dinh dưỡng, tốt cho da,…
 
Canh gà hầm sâm bổ dưỡng
 
Món canh gà hầm sâm bổ dưỡng này mới được thế giới biết đến nhiều trong vài chục năm trở lại đây, tuy nhiên từ xa xưa đã là món ăn yêu thích của người dân Hàn Quốc.
Để có được 1 bát canh gà hầm sâm thường được nấu trong nồi đá, với hương thịt gà thơm nức, lớp nước dùng nghi ngút bốc hơi, đan xen mùi thơm từ củ nhân sâm thì khâu chuẩn bị và chế biến rất cầu kì. Gà là gà non, nhỏ, mỗi con vừa đủ 1 suất. Nhồi bên trong gà các nguyên liệu bao gồm gạo nếp, nhân sâm, táo đỏ, tỏi, hạt dẻ, bạch quả, hoàng kỳ,.. sau đó khâu lại thật khéo léo để các gia vị không rơi ra ngoài khi hầm. Món gà hầm sâm được bê ra, mở nắp nồi hương thơm ngào ngạt. Thịt gà chín vừa, không bị nát, bở, thịt vẫn mọng nước. Nước dùng trong, ngọt tự nhiên quyện vị ngọt của củ cải, của thịt gà, thơm vị táo, vị sâm và gạo nếp. Ăn từng miếng gà hầm sâm nóng hổi, một món canh làm ấm thân thể tức thì cho ngày đông giá lạnh tháng 12
 

7. Jjim dalk – Gà om (hầm) rau củ

Đây là một món ăn truyền thống của một địa phương, đó là vùng Andong, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc. Món gà om rau củ này không khó thực hiện nhưng được chế biến từ nhiều nguyên liệu và gia vị, cần kết hợp chúng một cách hoàn hảo, đem đến vị ngon khó cưỡng. Sau thời gian om vừa vặn, bạn sẽ có món gà om miếng thịt gà mềm, mọng nước chứ không bị khô, thơm lừng ngon tuyệt, đi cùng sợi miến to bản dai dai, rau củ chín mềm ăn kèm làm không bị ngán. Người đầu bếp sẽ om gà bằng những chiếc nồi đất, thấp thành để không bị trào mất phần nước dùng bổ dưỡng.
 
Gà om rau củ, cùng với miến sợi
 
Jjimdak có hương vị đặc biệt nhờ loại sốt đặc trưng tạo nên món này (sốt làm từ dầu đậu nành, sirô ngô, đường, hạt tiêu…) và các loại nguyên liệu phụ đi kèm như ớt, khoai tây, cà rốt, hành tây, dang-myeon (miến sợi tròn, to và mềm hơn miến của Việt Nam), tùy vào từng công thức, tỉ lệ dùng nguyên liệu bí mật của các nhà hàng mà cho ra những mùi vị khiến nó giữ chân được chúng ta… Miếng gà hầm mềm, màu đỏ bắt mắt, ngấm đều các loại gia vị, ăn kèm cơm trắng sẽ rất vừa miệng.
Địa chỉ:
  • Andong jjim-dak: Seoul, Jung-gu, Myeongdong-1-ga (tàu điện ngầm line 2, ga Eul-ji-ro-1-ga, cửa ra số 6).
  • Bongchu jjim-dak: Seoul, Jung-gu, Myeongdong-9-gil 17 (tàu điện ngầm line 2, ga Eul-ji-ro-1-ga, cửa ra số 5).
 

8. Khoai lang nướng

Khoai lang nướng không ở đâu là không được ưa thích, nhất là vào thời điểm mùa đông, nếu có đi du lịch Hàn Quốc mùa đông thì bạn đừng nên bỏ lỡ món ăn này nhé. Khoai lang sẽ được nướng cả vỏ, khoai  được chọn là những củ khoai ngọt bùi, nhiều mật, có thể chọn loại khoai mật riêng mà bạn ưa thích. Khi ăn khoai bạn sẽ đôi chút bất ngờ khi thấy cách ăn truyền thống của người Hàn Quốc, đó là ăn kèm với kimchi muối cay. Người Hàn cuồng khoai lang đến mức họ sáng tạo ra những món ăn thú vị như bánh bông lan vị khoai lang, kem khoai lang, pizza khoai lang hay đến cả những đồ uống từ khoai lang cũng rất được ưa thích. Vào mùa đông, những nhà cung cấp khoai lang (군고구마) có thể được thấy trên khắp đất nước và người Hàn sẽ mua chúng với số lượng lớn để nướng hoặc hấp tại nhà. Khoai lang thực sự là một sự thay thế tuyệt vời cho một bữa ăn nếu như bạn đang quá vôi và do đó nó trở thành một món ăn vặt có lợi cho sức khỏe vô cùng được yêu thích.
 
Khoai lang mật nướng
 
Bánh cá, bánh macoron vị khoai lang
 
Bánh mì kèm lớp kem khoai lang
 

9. Hotteok – Bánh nhân đường nâu

Theo như những lời từ xa xưa thì người ta tin rằng, bánh hotteok - bánh nhân mật ong, đương nâu có nguồn gốc từ thương gia Trung Quốc nhập cư vào Hàn Quốc từ cuối thế kỉ 19. Nhưng không giống hầu hết bánh Trung Quốc thường được trộn thêm nhân thịt, hotteok được biến đổi trộn với nhân ngọt, cho phù hợp với khẩu vị của người Hàn Quốc
Món bánh pancake kiểu Hàn Quốc này hấp dẫn người ăn ở chỗ lớp vỏ ngoài của bánh vàng ruộm, giòn tan còn phần nhân đường bên trong thì ngọt lịm, vàng óng như mật. Khi cắn miếng bánh để lộ ra phần nhân đường mật dẻo thơm chảy ra, ngọt ngào cuốn hút lấy bạn. Hotteok không chỉ hấp dẫn đối với trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng rất yêu thích.
 
Bánh rán nhân đường đen, mật ong
 
Phần bột của hotteok được làm từ bột mì, nước, sữa, đường, và một phần men. Bột bánh được ủ trong vài giờ cho đến khi nở hết cỡ. Từng phần bột viên tròn sẽ được đầu bếp cán mỏng, trải đều sau đó cho thêm vào chính giữa phần bột bánh một phần hỗn hợp bột gồm đường nâu, mật ong, đậu phộng giã nhuyễn, và quế. Cuộn tròn lại sao cho không để phần nhân bị lọt ra ngoài. Từng phần bánh sau khi nặn xong  được đặt trên một chảo chiên lớn bóng dầu, và được ép dẹp thành một vòng tròn lớn bởi dụng cụ đặc biệt với khung tròn bằng sắt và tay cầm bằng gỗ. Cứ như thế cho đến khi 2 mặt chín vàng giòn thì khi đó bánh được đem ra để ráo dầu là có thể thưởng thức ngay được.
Ngày nay hotteok được làm đa dạng hơn với nhiều loại nhân khác nhau như đậu đỏ, socola,…phù hợp cũng như tạo nên mùi vị mới lạ cho người thưởng thức, nhưng bất kì dù là vị nào đi nữa thì đây cũng là một món bánh ngọt nóng hổi, ngon nhất khi ăn vào mùa đông
 

10. Gyeran bbang – Bánh trứng Hàn Quốc

Bên cạnh hotteok, món bánh trứng - gyeran bbang (계란 빵) cũng là món bánh mặn ngọt lý tưởng. Món bánh trứng này được làm rất đơn giản, giống như tên gọi của nó là từ trứng và bột. Chỉ với công thức đơn giản là một quả trứng được bao trọn bên trong chiếc bánh bông lan ngọt là bạn đã có một chiếc gyeran bbang ngon tuyệt! Từ hình dáng bắt mắt, thơm bơ, vị béo ngậy của trứng, ăn 1 cái chưa thỏa mãn, phải ăn đến chiếc thứ 2 đó!
 
Món bánh trứng đơn giản cho mùa đông
 
 

11. Hoppang (Jjinbang) – Bánh bao ngọt

Hoppang – Một loại bánh bao ngọt nấu sẵn rồi hấp nóng lại là một món ăn mùa đông của Hàn Quốc luôn được ủ nóng trong nồi hấp hoặc lò vi sóng trước khi ăn. Bánh Hoppang truyền thống có phần nhân từ đậu đỏ nhưng có cả những phiên bản khác như nhân thịt, bơ, rau, nhân khoai tây ngọt, nhân bí đỏ,…
 
Bánh bao ngọt nhân đậu đỏ
 
 
Cái tên Hoppang được hình thành từ chữ tượng hình “ho ho” trong tiếng Hàn, nghe giống như tiếng khi người ta thổi đồ ăn nóng và giống cả những tiếng cười hạnh phúc trong một gia đình khi họ ăn Hoppang cùng nhau. Mỗi chiếc bánh bao ngọt có giá rất rẻ, chỉ khoảng tầm 700 – 1000 won (tương đương nhỏ hơn 23.000vnđ). Món ăn vặt nhanh chóng, tiện lợi này bạn có thể mua ở bất kỳ cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, hay ở những người bán rong, những khu chợ trong khu phố vì chúng quá phổ biến.
 
Những chiếc bánh bao được khéo léo tạo hình dễ thương, thú vị
 

12. Gunbam – Hạt dẻ nướng

Hạt dẻ nướng hay gunbam ở Hàn Quốc là một trong những món ăn vặt mùa đông phổ biến nhất không chỉ ở riêng Hàn Quốc mà ở nước ta cũng vậy, bạn có thể bắt gặp rất nhiều hàng bán hạt dẻ nướng, hạt dẻ chiên bơ, hạt dẻ chiên mật ong,…và món ăn này bạn hoàn toàn có thể làm ở nhà. Hạt dẻ nướng Hàn Quốc thường là loại hạt to, ngọt bùi, chúng mất khá nhiều thời gian chế biến nên nếu như bạn quá ngại để làm thì cứ ra ngoài mua về và thưởng thức nhé. Hạt dẻ nướng thường được bán gần các chợ truyền thống đựng trong những túi giấy với giá 2.000 đến 3.000 won (tương đương từ 45.000 – 70.000vnđ)
 
Hạt dẻ nướng, món ăn vặt mùa đông
 

13. Tteokbokki, Odeng (Bánh gạo cay và chả cá)

Tteokbokki – bánh gạo cay hấp dẫn với phần nước sốt ớt đỏ cay, ngọt ngọt, như thể sinh ra để sưởi ấm bạn vào mùa đông. Nguyên liệu chính của món ăn này đó là tteok (bánh gạo dạng dài hình trụ màu trắng), trộn chung với eomuk (chả cá) và các loại rau như hành tây, hành baro, bắp cải, cà rốt và ớt đỏ. Hỗn hợp này luôn tục được đảo đều, giữ nóng trên chảo lớn, dùng chung với 1 cốc nước soup nấu từ eomuk.
Bạn có thể thấy món Tteokbokki ở khắp Hàn Quốc, khắp cả Việt Nam nữa luôn. Tteokbokki còn được sáng tạo ra nhiều hương vị khác nhau nữa như vị cà ri, bơ, vị jajang (tương đậu nành đen). Là một món ăn đường phố nên giá cả cũng vô cùng hợp lý, bạn có thể ăn no thay cho bữa chính cũng được, tầm 2.500 đến 3.500 won (khoảng 50.000 – 80.000vnđ) một suất, được miễn phí nước soup chả cá.
 
Bánh gạo cay
 
Phần chả cá luôn được ăn kèm với bánh gạo cay
 
Ăn teokbokki thì phải ăn kèm với xiên chả cá " Kkochi eomuk " hay gọi là odeng các bạn sẽ thấy thân thuộc hơn,mới chuẩn
Odeng được xiên que và luộc trong nồi nước dùng củ cải và tảo bẹ. Không giống như Tteokbokki, odeng thường sẽ ăn không cay và là món ăn hoàn hảo để làm dịu vị cay của tteokbokki, đây chính là món ăn bạn nên thử nếu như muốn nhanh chóng “rã đông” cơ thể. Odeng có giá chỉ  từ 500 đến 1.000 won (khoảng 15.000 – 23.000 một phần) bán cùng chỗ với Tteokbokki luôn nhé.
 
 
Du lịch Hàn Quốc tháng 12 là một trải nghiệm thú vị, ăn những món ăn đặc trưng đôi khi chỉ khi lạnh đến buốt người thế này ăn mới thấy ngon, cứ mặc đồ thật ấm, chơi đã, ngắm tuyệt lãng mạn rồi kéo nhau đi ăn là quá đỉnh rồi!
 
 
Tạ Thư/Hanquoctravel.com

Xem thêm: Du lịch Hàn Quốc Hàn Quốc mùa đông Hàn Quốc món ăn mùa đông

Quay về trang trước Lên đầu trang

Tin cùng chuyên mục